Duyệt
GJW+Campus
Thi hào Rabindranath Tagore viếng Saigon – 1929

Năm 1929, một sự kiện có ý nghĩa trong đời sống văn hoá chính trị Saigon lúc bấy giờ là nhà thơ, thi hào lớn của Ấn Độ Rabindranath Tagore viếng Saigon trong 3 ngày. Sự kiện này rơi vào quên lãng và ít có ai biết đến cho đến gần đây. Năm 2011, Hội thảo quốc tế ở Hà Nội về Tagore lần đầu tiên đã có nhắc lại chuyến viếng thăm của Tagore ở Saigon.

Báo chí thời bấy giờ viết nhiều về chuyến viếng thăm của Tagore. Các truyện, thơ của Tagore cũng đã được dịch và đăng trong cuối thập niên 1920 và thập niên 1930. Năm 1943, một sách về Tagore được xuất bản “Thi hào Tagore: Nhà đại biểu văn hoá Á đông” của tác giả Nguyễn Văn Hải. Năm 1961, Cao Huy Đỉnh và La Côn viết về Tagore trong quyển “Tagorơ, thơ truyện ngắn, kịch” do Nhà xuất bản Văn học in. Sau đó có rất nhiều thơ, truyện ngắn của Tagore được dịch và in. Gần đây nhất, năm 2004 là tuyển tập “ R. Tagore, tuyển tập tác phẩm” do Lưu Đức Trung tuyển chọn và giới thiệu, do NXB Lao Động – Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Từ giữa thế kỷ 19, với sự ưu việt của văn minh vật chất và kỹ thuật, châu Âu đánh chiếm nhiều nước và thiết lập thuộc địa ở Á châu. Nhiều người Á châu cảm thấy thua kém và cho rằng văn hoá văn minh Á châu của mình không xứng đáng so với văn minh Âu châu. Thi hào Rabindranath Tagore, giải Nobel văn chương năm 1913, được coi như nhà triết học thâm thúy với đời sống tinh thần và tôn giáo sâu xa tượng trưng cho văn minh Á châu cổ đại của nhân loại.

Ông cổ võ những giá trị tinh thần cao quý, nhân bản, của phương Đông và kêu gọi người Á châu bình tâm, tự tin và cố gắng gìn giữ không để đánh mất giá trị truyền thống văn hoá trước khi lòng người phân hoá; vì đây chính là sức mạnh tinh thần của mình so với sự khiếm khuyết về đời sống tinh thần của văn minh phương Tây mà các nhà trí thức ở phương Tây đã chỉ ra và cho thấy sự phong phú của văn hoá Á Đông. Đạo Phật ở Việt Nam và các chùa vẫn còn giữ được truyền thống văn hoá tâm linh vì thế cần được chấn hung và bảo vệ. Trong các thập niên 1920 và 1930, ở Việt Nam từ Bắc đến Nam cũng là lúc đạo Phật được nghiên cứu và phát triển mạnh như một sự hồi sinh trở lại.

Tagore cho rằng sự nối kết giữa nên văn minh vật chất kỹ thuật đang vươn lên của Tây phương và nền văn minh tinh thần cổ truyền có giá trị hoàn vũ của Á Đông là sự hỗ tương cần thiết cho nhân loại. Khi viếng Nhật Bản năm 1929 trước khi đến Saigon, Tagore đã bày tỏ sự ngạc nhiên và thán phục khi thấy Nhật, một nước Á Đông, đã canh tân nhanh chóng qua kỹ thuật công nghệ Tây phương, bắt kịp các nước Âu châu và vẫn giữ được văn hoá truyền thống, tâm linh của nước mình.

Tư tưởng này của Tagore đã có ảnh hưởng và được nhiều người chấp nhận trong giới trí thức từ Trung Hoa, Nhật Bản cho đến Việt Nam qua tầm vóc tiếng tăm của Tagore sau khi là người Á châu đầu tiên được giải văn chương Nobel.

Tháng 10 năm 1923, ngày 15, Nguyễn An Ninh trong bài diễn văn “L’idéal de la jeunesse Annamite” (Lý tưởng thanh niên An Nam) tại trụ sở Société d’Enseignement Mutuel de la Cochinchine (Hội khuyến học Nam kỳ) gợi cho thanh niên Việt Nam phải có hoài bão, ước mơ, tự hào về lịch sử, văn hoá dân tộc; ông đánh thức lòng yêu nước và văn hoá, tâm hồn dân tộc, ông nhắc đến Tagore như một thí dụ điển hình.

Trong các số báo La Cloche fêlée (Chuông rè) đầu năm 1924, Nguyễn An Ninh đã viết về những hoạt động yêu nước của Tagore ở Ấn Độ và trích dẫn những lời của ông đánh động đến lương tâm của những kẻ đi cai trị và thực dân. Ông viết về chuyến đi thăm Trung Hoa của Tagore nói chuyện với sinh viên, trí thức cải cách, canh tân đất nước người Hoa và sự kiện Tagore từ chối chấp nhận phong danh “Sir” của người Anh (6). Báo Chuông rè cũng có dịch ra tiếng Pháp bài tham luận “My School” của Tagore và nói về những trí thức Pháp như André Gide, Roman Rolland, những người ủng hộ tinh thần yêu nước của dân Ấn độ và là bạn của Tagore.

Cộng đồng người Ấn ở Saigon cũng rất mong một ngày gần sẽ đón tiếp thi hào Tagore thăm viếng Nam Kỳ. Tháng 4 năm 1924, có tin là thi hào Tagore có thể viếng thăm Saigon trên đường thăm Trung Hoa trở về, cộng đồng người Ấn Độ ở Saigon đã loan tin hăng hái sửa soạn tổ chức cho chuyến viếng thăm này. Các báo như La Cloche fêlée, Écho Annamite đã đăng tin về Tagore viếng Saigon trong đó tờ Écho Annamite (2/7/1924) đặt câu hỏi là người Việt sẽ làm gì khi được biết là Ủy ban tiếp đón Tagore của người Ấn do ông Savary thư ký và thủ quỹ đã viết cho chủ tịch Liên minh báo chí Nam Kỳ (Syndicat de la Presse Cochinchinoise) báo tin là Tagore đang ở Kobe và sẽ đến Saigon trong những ngày đầu của tháng 7/1924. Theo ông Savary thì cộng đồng người Ấn gồm nhiều giáo phái đã đóng góp vào quỹ tiếp đón gồm có người Ấn độ theo khổ hạnh (Hindous renonçants) 1.308$00, Ấn độ Chettys (từ Tamil Nadu). 1.500$ , Ấn Hồi giáo 1.000$, Ấn độ không khổ hạnh ở Saigon (Hindous non renonçants). 361 00 và Chợ Lớn 250$. Ấn thương gia Bombay (Commerçants Bombay) 300$

Họ dự định sẽ tiếp đón Tagore từ bến tàu đến nơi tạm trú ở đường Catinat, với nhạc công đi đầu, 2 con voi được trang trí và cờ xí. Một chuyến đi viếng thăm Angkor cũng được dự định, nơi mà thi hào Tagore muốn xem di tích mà nền văn minh xưa Ấn độ đã ảnh hưởng. Tuy vậy chương trình dự định như trên đều phải có tham khảo trước với chính Tagore để được chấp thuận.

Nhưng sau đó chuyến viếng thăm bị hoãn vì sức khỏe của Tagore sau khi diễn thuyết ở Hồng Kông.

Nói về cộng đồng người Ấn ở Saigon, thì họ đã có mặt ở Saigon sau khi Pháp đặt chân đến không lâu. Theo thống kê dân số Saigon-Chợ Lớn năm 1870 (1) thì địa phận Saigon gồm có 3 huyện (Bình Dương, Bình Long, Ngai An), 14 tổng (canton) và 196 làng với dân số 604 người Âu, 6743 người Hoa, 796 người Ấn và 104534 người Việt bản xứ. Như vậy tỉ lệ người Ấn ở Saigon khá cao trong dân số, bằng khoảng 10% người Hoa. Ở Saigon, người Ấn có thế lực lúc này là ông Mohamed-Ben-Abou-Bakar làm nghề nhà bank (banquier) cho vay mượn ở đường số 5 (Rue n° 5) (Ngô Thời Nhiệm ngày nay) và có chi nhánh ở Châu Đốc. Ở Chợ Lớn có 5 tổng và 83 làng với dân số 8 người Âu, 20000 người Hoa, 102 người Ấn và 50412 người Việt bản xứ.

Hai người Ấn làm nghề cho vay mượn (banquier) mà người Pháp và Việt hay gọi là chệt ti.


Đến năm 1897 thì số người Ấn làm ăn phát đạt ở Saigon tăng vọt, có đến 19 tiệm buôn bán đổi tiền ở các đường Catinat, rue Vannier (Ngô Đức Kế) và chợ Cũ trong trung tâm Saigon và 29 làm dịch vụ nhà bank (escompteur, banquier) (2) ở đường rue d’Adran (Hồ Tùng Mậu). Và một nghề thông dụng của người Ấn là cung cấp sữa bò, dê (laitier). Họ chiếm đa số nghề này, có đến 9 nhà cung cấp sữa ở Saigon, Khánh Hội và 6 người ở vùng Chợ rẫy, Chợ lớn ở gần các chợ. Ngoài ra có rất nhiều người người Ấn cho mướn và là tài xế nài đánh xe ngựa (charrettes & voitures).

Người Ấn thường được người Pháp gọi là Malabar hay Chettys (người Việt gọi là chà và hay chệt ty hay chệt). Vì đa số đến từ Pondichery, miền Nam Ấn nên có nước da ngăm đen. Người Việt nhiều khi không phân biệt rõ nên các người có nước da ngăm đen, như người Chăm, người Mã Lai, cũng được kêu chung là chà và.

Đầu thế kỷ 20, người Ấn đã trở thành một cộng đồng có thế lực về kinh tế chính trị không thua kém nhiều so với người Hoa ở Saigon. Đa số có quốc tịch Pháp vì đến từ thuộc địa Pondichery, một nhượng địa Pháp ở Ấn Độ, nên lá phiếu của họ trong bầu cử vào Hội đồng thành phố rất quan trọng. Các chính trị gia người Pháp, như ông thị trưởng Paul Blanchy, đều muốn sự ủng hộ của họ.

Mặc dù chuyến viếng thăm Saigon bị hoãn lại nhưng sự chú ý đến Tagore vẫn còn nóng. Ông Eugène DeJean de la Batie, một người Pháp lai Việt, chủ bút có viết trên Écho Annamite (23/7/1924) ngày 22/7/1924, buổi nói chuyện của giáo sư Kalidas Nag tại Société Philharmonique ở Saigon về thơ của Tagore và ý tưởng mục đích thành lập đại học quốc tế ở quê hương Tagore. Rất đông người Pháp, Việt và Ấn Độ đến nghe.

Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là bài đăng trên Écho Annamite ngày 2/8/1927 tựa đề “L’Interview de Rabindranath Tagore, à bord de “l’Amboise” par M. Hoang Tich Chu” của ký giả Hoàng Tích Chu nói về sự hội kiến và phỏng vấn thi hào Tagore trên tàu “Amboise” trên đường ông Hoàng Tích Chu trở về quê hương sau khi đi Pháp dự các buổi nói chuyện và học hỏi từ giới trí thức Pháp ở khu Latin, Paris. Tình cờ khi tàu ghé Colombo, cũng đón Tagore và 5 người tùy tùng đi Java viếng thăm các di tích cổ xưa theo lời mời của chính phủ Hoà Lan, nên Hoàng Tích Chu đã có dịp đến hội kiến và phỏng vấn Tagore. Hoàng Tích Chu sau này là một nhà báo có tiếng ở Bắc Kỳ và là chủ bút tờ Hà thành ngọ báo (1929) và tờ báo tiến bộ Đông Tây tuần báo (1929-1932). Sau khi đến buồng cabin của Tagore và đưa danh thiếp carte visite, ông Hoàng Tích Chu được mời vào nói chuyện với Tagore.

Ông Chu không biết tiếng Anh, nhưng may mắn có một người đi theo Tagore là giáo sư Sutini Kumar Chatterji ở Đại học Calcutta làm thông dịch. Sau khi ông Chu nói với Tagore là những đồng hương tầng lớp trí thức ưu tú của ông ở Việt Nam rất kính trọng Tagore và các tác phẩm của ông được đánh giá cao và chính bản thân Hoàng Tích Chu cũng định dịch quyển sách “Chủ nghĩa dân tộc” (Naltionalism) của Tagore, Hoàng Tích Chu đi thẳng ngay vào vấn đề về chủ nghĩa thực dân, một hiện thân của chủ nghĩa đế quốc, hoàn toàn trái nghịch với lý tưởng của cách mạng Pháp 1789, quang vinh của nền cộng hoà Pháp. Ông nói với Tagore là người Việt Nam không có tự do nào trong đất nước họ.

Tagore có hỏi Hoàng Tích Chu là bản thân ông Chu có tự do được đi lại không và ông Chu trả lời là ở Marseiile, trên đường đi về Việt Nam, ông chủ tàu cấm ông không được nói chuyện với các bạn ông đến đưa ông, nói là có lệnh trên và trên tàu cấm ông đến các nơi những người bồi người An Nam cư ngụ trên tàu, chắc là sợ ông kêu gọi đình công mặc dầu ông không hề có ý nghĩ đó.

Hoàng Tích Chu viết tiếp:

“Khi tôi về đến Saigon, chắc chắn là tôi sẽ bị theo dõi cặn kẽ (1)…

Ba tôi, một công chức đã bị cho về hưu không viện dẫn lý do gì; vì tôi đã đi qua Pháp trái với ý muốn của chính phủ…

Khi thốt ra những lời này, tôi ứa nước mắt và qua giọt nước mắt tôi nhận thấy ông Tagore hơi co người lại và hai mặt ông mở to hơn như thường lệ.

“Tôi là một thi sĩ”, Tagore nghe lời nói với tôi giản dị vậy thôi, mà tôi cảm thấy là ông cố gắng tự trấn tĩnh lại.

Ông Tagore nói tiếp nhanh để rõ ý của ông

“Về chính trị, hay anh quen gọi là chính trị không có lạ gì trong thơ của tôi, nhưng tôi muốn nói là hoạt động chính hiện nay của tôi không phải là chính trị.

Về phương diện quyền tự do, như ở các dân tộc yếu kém, tôi đồng cảm qua tình yêu anh em và nhân bản. Tình yêu này càng sôi nổi hơn với các nước đang bị trị, đau khổ cần giúp đỡ, như là đất nước của anh”.

Tagore sau đó bày tỏ mong muốn sẽ viếng thăm Đông Dương nơi có lịch sử ngàn năm và vết tích văn minh cổ xưa. Cuộc nói chuyện kéo dài một tiếng đồng hồ.

Ta có thể thấy Tagore cũng như Einstein, khác với Ghandi, chỉ là một nhà hiền triết trong lãnh vực văn học hay khoa học. Ông không phải là một nhà hoạt động chính trị nhưng ông đồng cảm và hiểu được sự đau khổ của một nước bị trị.

Rabindranath Tagore (Nobel văn học) và Albert Einstein (Nobel vật lý) ở Berlin. (Ảnh: UNESCO, Wikipedia, Public Domain)


Hoàng Tích Chu sau cuộc hội kiến với Tagore đã trao đổi với giáo sư Suniti. Ông Suniti có kể là ông đã có ở Paris trong một thời gian nhưng không có cơ hội để quen biết với những sinh viên người Việt Nam. Ông có đọc bản dịch truyện thơ Kim Vân Kiều và theo khả năng của ông đã thưởng thức được cái đẹp và hay trong văn chương truyện Kiều. Khi ông Suniti được biết là trên tàu có 300 lính người Việt trở về Saigon từ Maroc, ông đề nghị với Hoàng Tích Chu là cùng đến gặp họ trên bong tàu.

Kính mời Quý vị xem chi tiết tại đây: https://trithucvn2.net/van-hoa/thi-hao-rabindranath-tagore-vieng-saigon-1929.html