ĐỀ 7
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4 điểm)
Đọc văn bản:
Nhớ mùa Vu lan xưa
Hoàng Anh Tuấn*
(1) Mùa Vu lan níu váy mẹ lên chùa Vận tứ thân mẹ chít khăn mỏ quạ Đội mâm oản vàng hương và ngũ quả Môi quết trầu cười đen nhức hạt na
(2) Chùa làng xưa trầm mặc dưới bóng đa Đồng vụ chiêm đơm hương tràn cánh gió Sư thầy cài ngực tôi bông hồng đỏ “Hạnh phúc là khi còn mẹ nghe con”
(3) Sân gạch rêu tôi đuổi chú bướm non Vấp tiếng mõ câu kinh nâng tôi dậy Ánh mắt mẹ thật dịu hiền biết mấy Tôi nín rồi tay quệt giọt chuông rơi
(4) Bếp đun rơm mẹ cầm chiếc que cời Thổi xôi nếp nấu cháo hoa cúng bái Bày trước thềm mẹ thành tâm khấn vái Những cô hồn áo giấy mặt từ bi | (5) Lũ trẻ con ngoài ngõ rủ nhau đi “Ra đền Mẫu xem hầu đồng mày nhé” Điệu chầu văn say gót hài cô Bé Phát lộc kìa tôi vớ được hai xu
(6) Đêm mười rằm trăng chín mõm vườn thu Bà nội kể “Cửa cõi âm tháo khoán” Ai húp cháo bên bờ tre đánh xoạt Tôi rụt đầu trùm chăn kín giấc mơ
(7) Vịn tháng bảy lội ngược miền tuổi thơ Đường đê vắng khói tro tàn đốt mã Bố cưỡi hạc bay về đâu xa quá Tôi một mình khóc lặng hóa mùa ngâu… (Hoàng Anh Tuấn, đăng trên Báo điện tử Lào Cai, ngày 19/08/2024)
|
(*) Hoàng Anh Tuấn sinh năm 1984, quê Giao Tiến, Giao Thủy, Nam Định. Anh là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lào Cai, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh bén duyên với nghiệp viết bằng những bài thơ học trò hồn nhiên, trong sáng được đăng đều đặn trên báo Thiếu niên Tiền phong vào đầu thập niên trước.
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra dấu hiệu để nhận biết thể thơ của văn bản.
Câu 2. Liệt kê những chi tiết, hình ảnh miêu tả người mẹ trong khổ thơ (1).
Câu 3. Nhận xét về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Câu 4. Nêu cách hiểu của em về hai câu cuối của bài thơ:
“Bố cưỡi hạc bay về đâu xa quá
Tôi một mình khóc lặng hóa mùa ngâu…”
Câu 5. Em có đồng tình với quan điểm “Hạnh phúc là khi còn có mẹ nghe con” không? Vì sao?
PHẦN II. VIẾT (6 điểm)
Câu 1. (2 điểm) Từ văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn văn nghị luận cảm nhận về khổ thơ (1) và (2) trong bài thơ Nhớ mùa Vu lan xưa của tác giả Hoàng Anh Tuấn:
Mùa Vu lan níu váy mẹ lên chùa
Vận tứ thân mẹ chít khăn mỏ quạ
Đội mâm oản vàng hương và ngũ quả
Môi quết trầu cười đen nhức hạt na
Chùa làng xưa trầm mặc dưới bóng đa
Đồng vụ chiêm đơm hương tràn cánh gió
Sư thầy cài ngực tôi bông hồng đỏ
“Hạnh phúc là khi còn mẹ nghe con”
Câu 2. (4 điểm) Hiện nay có không ít các bạn học sinh có thái độ học tập qua loa, đối phó. Hãy viết bài văn nghị luận đề xuất những giải pháp để khắc phục tình trạng nêu trên.
ĐÁP ÁN
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Câu 1. Thể thơ tám chữ với dấu hiệu là tất cả các dòng thơ trong bài thơ đều có tám chữ / tám âm tiết.
Câu 2. Chi tiết, hình ảnh miêu tả người mẹ trong khổ (1): “vận tứ thân, chít khăn mỏ quạ, đội mâm oản, môi quết trầu, đen nhức hạt na”.
Câu 3. Tâm trạng nhân vật trữ tình: vừa nhớ nhung, đau xót vừa hạnh phúc, vui sướng khi nhớ về mẹ và những kỉ niệm của mùa vu lan xưa bên mẹ.
Câu 4. Hai câu thơ cuối thể hiện nỗi đau đớn, mất mát và cô đơn của nhân vật trữ tình khi người cha qua đời. "Cưỡi hạc bay về đâu xa" là ẩn dụ cho sự ra đi của cha về cõi vĩnh hằng, và "khóc lặng hóa mùa ngâu" gợi liên tưởng đến những giọt nước mắt tuôn rơi, như mưa ngâu thấm đẫm cảm xúc.
Câu 5. Trình bày quan điểm và lí giải:
- Đồng tình với câu nói.
- Lí giải bằng một số gợi ý sau:
+ Mẹ là người luôn yêu thương, bao dung và chở che cho con cái, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tình yêu của mẹ không bao giờ đòi hỏi điều kiện hay cần đáp trả.
+ Mẹ không chỉ là người sinh thành mà còn là tri kỷ, người sẵn sàng thấu hiểu, sẻ chia những buồn vui cùng con trong cuộc sống.
+ Mẹ là động lực to lớn giúp con cái vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nuôi dưỡng, chắp cánh những ước mơ cho con,…
PHẦN II. VIẾT (6 điểm)
Câu 1. (2 điểm)
*Yêu cầu về hình thức, kĩ năng: Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn, có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, phối hợp, móc xích hoặc song hành; xác định đúng vấn đề cần nghị luận; lựa chọn thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng; thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ, chuẩn chính tả, liên kết câu trong đoạn văn.
*Yêu cầu về nội dung:
- Dẫn dắt, giới thiệu: Giới thiệu tác giả Hoàng Anh Tuấn và hai khổ đầu bài thơ Nhớ mùa Vu lan xưa. Hai khổ thơ đầu bài thơ tái hiện về kí ức Vu lan đầy yêu thương, xúc động của nhà thơ bên người mẹ dấu yêu và làng quê thân thuộc, bình yên của mình.
- Phân tích nội dung:
+ Tác giả mở ra cho người đọc một ký ức dịu dàng, xa xăm với hình ảnh đứa trẻ “níu váy mẹ lên chùa” trong một mùa Vu lan báo hiếu năm nào. Người mẹ hiện lên với những nét thuần hậu, chân quê đậm chất Việt Nam với trang phục “áo tứ thân", “khăn mỏ quạ", “môi quết trầu”, hàm răng “cười đen nhức hạt na”…Mâm lễ mẹ đội với đầy đủ oản, vàng hương, ngũ quả tuy đơn sơ mà thành kính chất chứa cả một bề dày văn hóa và đạo lí truyền thống nhân nghĩa của người Việt.
+ Không gian làng quê hiện lên thanh bình, yên ả với chùa làng trầm mặc nghiêng mình dưới bóng đa và lúa vụ chiêm đang thoang thoảng đưa hương trong gió xuân nhè nhẹ. Hình ảnh sư thầy hiền từ cài đóa hồng đỏ trên ngực cho nhân vật tôi cùng lời dặn dò chân tình, dễ hiểu mà đầy thấm thía “Hạnh phúc là khi còn mẹ nghe con” khiến người đọc không khỏi xúc động nghẹn ngào.
- Một số đặc sắc nghệ thuật của bài thơ: Thể thơ 8 chữ, giàu nhạc điệu; ngôn ngữ, hình ảnh thơ mộc mạc, tự nhiên hai khổ thơ đã tạo nên một mạch cảm xúc nhẹ nhàng nhưng sâu lắng của nhân vật trữ tình trong nỗi nhớ da diết khắc khoải về người mẹ yêu dấu.
- Khẳng định: Hai khổ thơ không chỉ khắc họa một bức tranh ký ức đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc mà còn gửi gắm triết lý nhân văn về lòng biết ơn, nhắc nhở chúng ta biết trân trọng những giây phút hạnh phúc quý giá bên người thân, bên gia đình. Những lời thơ của Hoàng Anh Tuấn là minh chứng cho ta thấy rằng một câu thơ hay chẳng cần quá đỗi cầu kì mà đơn giản chỉ là một câu thơ “có khả năng đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người” (Chu Văn Sơn).
Câu 2. (4 điểm)
*Yêu cầu về hình thức, kĩ năng: Đảm bảo yêu cầu về hình thức bố cục văn bản; xác định đúng vấn đề cần nghị luận; lựa chọn thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng; thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ, chuẩn chính tả, liên kết văn bản.
*Yêu cầu về nội dung: đề xuất những giải pháp để khắc phục tình trạng học tập qua loa, đối phó.
1. Mở bài:
- Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề: Việc học tập nghiêm túc có vai trò vô cùng quan trọng của đối với sự phát triển cá nhân và xã hội. Hiện nay, có một bộ phận học sinh học tập với thái độ qua loa, đối phó, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và sự phát triển của chính bản thân.
- Nêu sự cần thiết của việc bàn luận vấn đề: Việc đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục thái độ học qua loa đối phó trong học sinh hiện nay là hết sức cần thiết.
2. Thân bài
a. Giải thích vấn đề: Học tập qua loa, đối phó là học tập hời hợt, thiếu sự đầu tư và tập trung. Chỉ hoàn thành nhiệm vụ một cách đối phó, không xuất phát từ ý thức tự giác và trách nhiệm.
b. Phân tích vấn đề
- Thực trạng thường thấy ở các lớp học phổ thông, đặc biệt trong các môn phụ hoặc các môn mà học sinh cho rằng "không quan trọng". Nhiều học sinh chỉ học để đạt điểm tối thiểu, sử dụng tài liệu gian lận khi thi cử, làm bài theo kiểu chép mẫu.
Tham gia lớp học nhưng thiếu tập trung, lướt mạng xã hội hoặc ngủ trong giờ học….
- Nguyên nhân khách quan: Chương trình học chưa gắn với thực tế, gây nhàm chán; áp lực thi cử, thành tích khiến HS học đối phó để đạt yêu cầu tối thiểu. Nguyên nhân chủ quan: Ý thức học tập chưa cao, thiếu định hướng mục tiêu; ảnh hưởng từ môi trường sống: sự thiếu quan tâm từ gia đình, thầy cô.
- Tác hại: Khiến cho cá nhân có kỹ năng và kiến thức hạn chế, tâm lí thụ động ỉ lại. Làm cho chất lượng giáo dục giảm sút, không đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.
c. Đề xuất các giải pháp khắc phục
- Thay đổi phương pháp dạy học:
+ Đổi mới phương pháp giảng dạy: Thầy cô cần áp dụng cách dạy học sinh động hơn, kết hợp lý thuyết với thực hành, làm bài tập nhóm, thảo luận hoặc các trò chơi học thuật. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong dạy học: video minh họa, bài giảng trực quan để tăng sự hấp dẫn và tương tác.
+ Giảm tải chương trình: Loại bỏ các nội dung học không cần thiết, tập trung vào những kiến thức trọng tâm và thực tế.
+ Kiểm tra đánh giá toàn diện: Thay vì chỉ tập trung vào thi viết, nhà trường cần áp dụng kiểm tra qua dự án, bài thuyết trình, và thực hành. Quan tâm đến năng lực, sở thích, và điểm mạnh của từng học sinh để có cách đánh giá phù hợp.
+ Dẫn chứng: Tại một số trường trung học ở Phần Lan, bài kiểm tra không chỉ dựa trên ghi nhớ mà yêu cầu học sinh giải quyết các tình huống thực tế. Ví dụ, thay vì hỏi định nghĩa công thức hóa học, học sinh được yêu cầu phân tích một mẫu nước và xác định các chất có hại.
- Xây dựng môi trường học tập tích cực, thân thiện:
+ Gia đình: Cha mẹ cần quan tâm, theo sát việc học của con nhưng không gây áp lực quá mức. Tạo điều kiện học tập tốt, khuyến khích con tự học và chủ động tìm hiểu kiến thức.
+ Nhà trường: Đảm bảo môi trường học đường thân thiện, công bằng, giảm áp lực điểm số. Kết hợp giáo dục đạo đức và giá trị sống để xây dựng ý thức trách nhiệm trong học sinh.
+ Bạn bè: Tạo nhóm học tập để hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy tinh thần học hỏi chung
+ Dẫn chứng: Nhiều trường học ở Việt Nam và quốc tế triển khai các dự án học tập, yêu cầu học sinh thực hiện bài tập nhóm, nghiên cứu và trình bày sản phẩm thực tế. Ví dụ, học sinh có thể làm một dự án về môi trường, tạo ra các video hoặc mô hình minh họa thay vì chỉ làm bài kiểm tra lý thuyết.
- Nâng cao ý thức và trách nhiệm của học sinh:
+ Lên kế hoạch quản lý thời gian và có biện pháp tự học hiệu quả.
+ Phát triển sự chủ động, tự giác để hình thành thái độ tích cực giúp học sinh nhận thức được rằng việc học không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cơ hội để phát triển bản thân.
3. Kết bài: Khẳng định tầm quan trọng của việc nhận thức và hành động.
Những giải pháp trên cần được thực hiện đồng bộ từ gia đình, nhà trường đến xã hội, đồng thời đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức và hành động của chính học sinh. Sự phối hợp này sẽ giúp nâng cao chất lượng học tập và giảm thiểu tình trạng học đối phó, qua loa.