Nov 26, 2023
11 mins read
149 views
11 mins read

CHÍNH PHU PHỤ - GIA QUY - GIA ĐẠO - GIA PHONG

CHÍNH PHU PHỤ - GIA QUY - GIA ĐẠO - GIA PHONG

Chúng ta hãy xem từng điều một. Trước tiên, chúng ta hãy xem thế nào là phụ tử hữu thân. Hàm nghĩa của từ “thân” là không có phân biệt. Sự “không có phân biệt” này đã nói lên điều gì? Đó là cảm tình giữa cha và con không hề có bất kỳ điều kiện nào. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là tình cảm giữa cha và con cũng cần đến lý trí, phải có trí tuệ. Chúng ta hiện nay gọi là “không điều kiện”, ví dụ như người cha có rất nhiều tiền, nhưng lại mua cho đứa con nhiều thức ăn ngon và đồ chơi một cách không điều kiện, người làm cha như vậy là không có trí tuệ, không dựa vào lý trí, hoàn toàn dựa vào cảm tình. Việc nuông chiều con như vậy đã hoàn toàn phóng túng sự giáo dục con cái. Cho nên, câu “phụ tử hữu thân” trong văn hóa truyền thống thời xưa có hàm nghĩa vô cùng thâm sâu. Học thấu suốt điều này rồi thì sẽ hiểu được thế nào gọi là “phụ từ tử hiếu”. Người làm cha phải nhân từ thế nào, người làm mẹ phải nhân từ ra sao, chúng tôi sẽ giảng đến điều này ở chương “Dạy Con” ở phần sau. “Từ ái không thể đến mức nuông chiều”, chính là không được phóng túng. “Nghiêm khắc không được đến mức tổn thương tình cảm”, đối với con cái nghiêm khắc nhưng không được khiến ân tình bị tổn thương. Người hiện nay không học tập, không có trí tuệ, không hiểu rõ thế nào là đúng chừng mực, việc này khá là phiền phức.

Điều thứ hai là “trưởng ấu hữu tự” (anh em có thứ tự). Trưởng ấu hữu tự là nói trong một gia đình, giữa các anh chị em có thứ tự về mặt luân lý ra sao. Như trong “Đệ Tử Quy” có nói: “anh thương em, em kính anh”, phải giữ vững bổn phận của chính mình.

Điều thứ ba là quan trọng nhất, chính là “phu phụ hữu biệt”. Thực tế sự khác biệt về vai trò giữa vợ và chồng đó là “phu nghĩa phụ thính” (chồng nghĩa vợ thuận). Chúng ta khi học tập giáo dục Nữ Đức trong văn hóa truyền thống đã từng có một câu nói để hình dung ý nghĩa quan trọng của giáo dục Nữ Đức đó là “trị thiên hạ thủ chính nhân luân”, có nghĩa là muốn quản lý tốt thiên hạ thì trước tiên phải làm cho mối quan hệ giữa người và người chính trước đã. “Luân” chính là quan hệ giữa người với người. Để “chính nhân luân” thì trước tiên phải “chính phu phụ”, và trong năm mối quan hệ thì mối quan hệ giữa vợ và chồng là quan hệ quan trọng nhất. Cần phải hiểu rõ mối quan hệ này, phải giữ cho được chính thì các mối quan hệ khác đều sẽ tốt đẹp, vì đây là mối quan hệ then chốt. Muốn làm được “chính phu phụ” thì trước tiên phải “chính nữ đức”. Cũng là nói, trong mối quan hệ vợ chồng thì người phụ nữ có tác dụng then chốt. Trong xã hội hiện nay, chúng ta cũng thường phát hiện cảnh gia đình không an định, đảo lộn, oán trách, gây ra chuyện thị phi, chủ động đòi ly hôn, trong đó có không ít là phụ nữ. Phụ nữ nếu như tâm rất định thì gia đình sẽ thái bình, giống như “định hải thần châm” (gậy thần trấn biển) vậy, việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không. Phu nghĩa phụ thính là điều quan trọng nhất trong mối quan hệ vợ chồng. “Thính” có nghĩa là thuận theo. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại, khi một số người vừa nhắc đến từ “Nữ Đức” thời xưa, thì khái niệm đầu tiên chính là phụ nữ cần phải “nam tôn nữ ti, tam tòng tứ đức”, điều này không tốt, đàn áp nữ quyền, không bình đẳng với phụ nữ, một gậy là đã đập chết [khái niệm] này rồi. Trên thực tế, chúng ta đã không thực sự hiểu hàm nghĩa chân thật bên trong của nó, mà hoàn toàn dựa vào cách nghĩ của chính mình, ngang nhiên cho điều này là sai lầm. Trong việc giáo dục phụ nữ thời xưa, chữ “thính” đứng ở phía sau chữ “nghĩa”, điều đó có nghĩa là “chồng có nghĩa thì vợ mới nghe theo”. Cái nghĩa của người chồng thể hiện ở chỗ nào? Đối với vợ có tình nghĩa, đối với bạn bè có đạo nghĩa, đối với cha mẹ có ân nghĩa. Về mặt tình nghĩa, đạo nghĩa và ân nghĩa đều có thể tuân theo lời dạy của tổ tiên mà xử sự thì sẽ có thể làm người có nhân có nghĩa. Cái gọi là “nhân ái, nhân nghĩa” chính là “điều mình không muốn thì đừng đem cho người khác”, nghĩ đến bản thân thì có thể suy ra người khác. “Nghĩa giả, tuân lễ dã” (người có nghĩa tức là người biết tuân theo lễ vậy). “Tuân” có nghĩa là “chấp hành”, “phù hợp với”, tức là làm việc xử sự phải phù hợp với đạo lý, chứ không phải dựa trên cảm tình cá nhân mà làm việc. Trong tình huống này, người làm vợ phải hoàn toàn nghe theo lời chồng, trợ giúp anh ấy thành tựu sự nghiệp ở bên ngoài, ở trong nhà thì giúp chồng giáo dục tốt thế hệ sau để kế thừa sự nghiệp của anh ấy. Nếu không như vậy thì người chồng bận rộn suốt cả một đời, đến đời kế tiếp thì không có người tiếp nối. Việc bạn giúp gia đình chồng bồi dưỡng ra thế hệ kế thừa tiếp nối là việc rất quan trọng. Với trọng trách này thì người làm vợ sao có thể nói là không có địa vị chứ? Sao không thể được chồng mình tôn trọng? Việc này là không thể nào. Người chồng đối với người quản lý và dạy dỗ thế hệ kế thừa sự nghiệp của anh ấy nhất định sẽ vô cùng xem trọng, hết lòng tôn trọng. Lời của bạn nói ra chồng của bạn sẽ phải cân nhắc, bởi vì nó có ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này của anh ấy. Thế nên, trong một gia đình nếu như có thể xác định rõ mối quan hệ giữa vợ và chồng, thì cuốn “Kinh” trong mỗi gia đình sẽ tương đối dễ tụng!. Thường có câu nói rằng “mỗi gia đình đều có một quyển kinh khó tụng”, việc khó tụng này là vì người phụ nữ “không hiểu lý, không rõ sự”, khi làm việc thì mơ mơ hồ hồ, thế nên dễ bị rối tung bởi những việc trong nhà, khiến cho gia nghiệp không thể phát huy. Vợ chồng, đặc biệt là người vợ, nếu như hiểu rõ mối quan hệ này rồi thì nhà sẽ ra nhà thôi. Làm thế nào để nhà ra nhà vậy? Gia đình phải có bốn yếu tố, giống như một căn phòng, để xây phòng thì ít nhất phải có bốn bức tường, bốn cây cột trụ. Đó là bốn bức tường nào? Thứ nhất phải có gia đạo, thứ hai phải có gia quy, thứ ba phải có gia học, thứ tư phải có gia nghiệp. Sau khi bốn bức tường được xây lên thì gia đình này nhất định sẽ có gia phong. Gia phong tốt đẹp thì cái nhà này sẽ tồn tại được lâu, sẽ là cơ nghiệp trăm năm, còn có thể kéo dài về sau. Nếu như gia phong bất thiện thì có câu rằng “giàu không quá hai đời”, sớm muộn gì cũng bị đứt đoạn.

Thế nào gọi là Gia Đạo? Chữ “đạo” này có nghĩa là người trong nhà phải có đạo đức. Tôi xin nói đơn giản, rõ ràng hơn, đó là người trong gia đình phải tích đức, phải hành thiện. Gọi là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (chớ làm các việc ác, vâng làm các việc lành). Trong việc học tập văn hóa truyền thống, có một bộ Kinh điển rất quan trọng là “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, phần mở đầu Kinh đã nói: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu, thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình” (họa phúc không có cửa, do người chiêu cảm lấy, quả báo thiện và ác, như bóng theo sát hình). Vợ chồng kết hợp thành một gia đình, làm thế nào làm cho gia đình này không ngừng tích phúc, không ngừng tránh họa, biết cách đón kiết tránh hung, người phụ nữ trong gia đình cần phải biết điều này, bản thân phải làm được, rồi dẫn dắt con cái, dẫn dắt chồng hành thiện, phải không ngừng làm những việc như thế này. Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn”, chúng ta thấy vợ của Viên Liễu Phàm mỗi ngày đều giúp chồng mình tích đức hành thiện. Có một lần Viên Liễu Phàm thấy vợ may áo bông cho con, bà đã dùng những sợi bông không tốt, ông hỏi bà tại sao làm vậy? Vợ ông trả lời rằng: “Như vậy có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn, có thể làm thêm nhiều chiếc áo bông tặng cho các gia đình nghèo khổ”. Số mạng của Viên Liễu Phàm có thể chuyển biến, từ đoản mạng trở nên trường thọ, từ không con trở thành có con, việc này đều không rời khỏi sự giúp đỡ của vợ hiền trong nhà. Thế nên, từ xưa đến nay, vợ hiền là bảo bối ở trong gia đình, người vợ tốt có thể “chính kỷ hóa phu” (sửa mình cho tốt mà ảnh hưởng đến chồng), dạy con thành tài, có thể thay đổi một gia đình, thậm chí là vận mạng của một gia tộc, một dân tộc. Một người phụ nữ có đức hạnh, có học vấn có thể dẫn dắt gia đình đi trên con đường chính đạo, lương thiện, đây chính là Gia Đạo đơn giản nhất. Nói cụ thể hơn, thế nào gọi là Đạo? Trong sách “Đại Học” có rất nhiều cách phân tích rằng, nếu dựa trên những điều phù hợp với nhân tính, phù hợp với tự tính, phù hợp với quy luật tự nhiên trong vũ trụ mà làm thì chính là đang ở trong Đạo. Nếu không dựa vào những điều này mà làm thì không ở trong Đạo vậy. Thế nên, vào thời xưa, chữ “đức” (德) trong từ “đạo đức” (道德) tương thông với chữ “đắc” (得)trong từ “đắc đáo” 得到 (đạt được). Cũng chính là nói, bạn làm theo quy luật tự nhiên, dựa vào tự tính, bản tính của con người mà làm thì sẽ có thể đạt được hết thảy thứ mà bạn muốn. Nếu bạn không làm như vậy thì sẽ không đạt được. Đây chính là Gia Đạo.Thế nào gọi là Gia Quy? Đó chính là “Đệ Tử Quy” mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta. Ai là đệ tử? Chúng ta đều là đệ tử. Chúng ta đều là học trò của lão tổ tiên, là học trò của Thánh Hiền. Tôi có lần nghe thầy Thái Lễ Húc giảng bài, thầy Thái nói rằng, những người họ Trần như tôi là hậu duệ của ai vậy? Là hậu duệ của vua Thuấn, là từ “Thuấn” trong “Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang (Thương)”. Lúc đó tôi cảm thấy rất hổ thẹn, bản thân tôi không có đức hạnh của vua Thuấn, cũng chẳng có bất kỳ học vấn gì. Vậy sau vài trăm năm nữa, vài ngàn năm nữa, phải chăng đức phong của tổ tiên, học vấn của tổ tiên sẽ bị mai một hết rồi không? Chúng ta là thế hệ con cháu thật không có mặt mũi nào đi gặp tổ tiên nơi chín suối, đây là một việc đáng hổ thẹn. Thế nên, từ xưa đến nay có câu nói rằng: “Không nghe lời người xưa, thiệt thòi ngay trước mắt”. Ai là người xưa vậy? Tổ tiên chúng ta chính là người xưa. Người hiện nay chúng ta tự cho là mình rất thông minh, nói rằng hiện nay không cần đến những lời dạy đó của lão tổ tiên, những lời dạy đó không còn hợp thời đại nữa rồi. Có phải như vậy không? Trí tuệ của tổ tiên chúng ta, kho báu trí tuệ của các ngài hoàn toàn siêu vượt thời gian và không gian, thực sự là như vậy! Bởi vì nó phù hợp với nhân tính. Chỉ cần là người thì những thứ ở bên trong bổn tính vĩnh viễn đều như nhau. Thông qua sự truyền tải của Văn Ngôn Văn, Văn Ngôn Văn không giống như ngôn ngữ thông thường tùy theo sự biến hóa của thời đại mà biến hóa, nó hoàn toàn gìn giữ được ý nghĩa của tổ tiên. Chúng ta chỉ cần chịu học là có thể biết, có thể hiểu rõ, sau đó vận dụng vào trong đời sống của chúng ta, rất đơn giản! Hai ngày trước tôi đã cảm khái mà nhận ra rằng, phương pháp mà chúng ta hiện nay dùng để dạy dỗ con cái là như thế nào vậy? Là phương pháp “thức ăn nhanh”, dạy hai câu thì muốn con cái lập tức phải đọc thuộc, nếu chúng không đọc thuộc thì chúng ta sẽ rất lo lắng, đã dạy chúng bốn, năm lần rồi,sao mà câu “cha mẹ gọi” cũng không thuộc được chứ? Sau đó, tôi quay đầu nhìn lại chương Dạy Con trong sách “Dưỡng Chính Di Quy” thì mới hiểu rõ, cách dạy của chúng ta đã sai rồi! Bởi vì cách giáo dục vỡ lòng mà tổ tiên chúng ta dạy cho trẻ nhỏ không phải là như thế, không giống với cách dạy của chúng ta, đọc qua một lần thì lập tức bắt chúng đọc thuộc, mà là phải đọc tới đọc lui, đọc tới khi tự nhiên chúng có thể thuộc nằm lòng thì bản thân chúng sẽ hoàn toàn ghi nhớ, điều này phù hợp với tự tính của chúng, không cần ép buộc. Lúc mới đầu, tôi dạy cho đứa con út của tôi, nó được 3 tuổi, ví dụ như dạy nó một đoạn thì tôi rất muốn nó đọc thuộc, nó liền cảm thấy rất bực, thuộc cũng không thuộc nổi, lại nóng lòng muốn đi chơi. Thứ bảy, chủ nhật vừa rồi, tôi cầm cuốn sách nhỏ ngồi đối diện với nó đọc từng lần từng lần một. Vào thời xưa, nếu như đọc liên tục mười lần thì cơ bản có thể đọc thuộc được, đó là đứa trẻ có ngộ tính rất cao, có khả năng thiên phú tốt. Có đứa thì phải đọc một trăm lần mới có thể đọc thuộc, việc này cũng không sao cả. Kết quả là đọc khoảng độ mười mấy lần thì bản thân nó hoàn toàn có thể đọc thuộc, rất tự nhiên. Sáng nay lúc ngồi trên xe thì tự mình bắt đầu đọc “Nhập tắc hiếu…”, đọc từ đầu đến cuối, tiếng đọc cứ sang sảng. Thế nên, có lúc tôi cảm thấy thật sự rất xấu hổ, tôi tốt nghiệp thạc sĩ, nhưng cho dù có tốt nghiệp tiến sĩ đi chăng nữa thì cũng đều đem những tinh hoa trí tuệ và kinh nghiệm mà tổ tiên đã đúc kết lại vứt bỏ hết rồi. Chính mình thì dùng phương pháp hiện đại thời nay mà dạy con, điều này không phù hợp với quy luật tự nhiên, cho nên mới cảm thấy ưu phiền, khổ não.

( Còn nữa -P30)

Tác giả : Trần Tịnh Du